• Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Quan điểm
  • Cảm hứng
  • Sách
  • Kỹ năng
  • Trạm phát thanh
Trà đá nào, bạn mình ơi!

Trà đá nào, bạn mình ơi!

Leng Keng Trà Đá

Thử thách 14 ngày tôi, sách và viết – Ngày 01

08/11/2021 by lengkengtrada Leave a Comment

Nếu được chọn một màu sắc để nói về bản thân mình, bạn sẽ chọn màu gì?

Nhiều năm trước đây từng có một cô gái luôn cảm thấy bản thân là một con người trống rỗng, thiếu màu sắc và cá tính.

Hoàn cảnh gia đình không có gì nổi bật, thật chí là có chút nghèo khó.

Nhan sắc bình thường, không có điểm nào bất hợp lý nhưng cũng cô luôn cảm thấy ở đó một sự nhàm chán.

Thành tích học tập chỉ ở mức trung bình. Luôn chú ý nghe giảng và trả bài đầy đủ trên lớp nhưng chưa bao giờ trở thành một học sinh ưu tú được thầy cô để mắt tới.

Không hứng thú với các hoạt động ngoại khóa hay nghệ thuật. Không có tài năng gì nổi bật khiến người khác phải khen ngợi.

Nếu buộc phải chọn ra một đặc trưng nổi bật, có thể gọi là sở thích thì cô thích viết và đọc sách hơn tất thảy.

Một số người quen mình ở giai đoạn sau này có thể sẽ bất ngời nếu biết cô gái được nhắc tới bên trên chính là mình. Trong suốt những năm tháng học cấp ba và Đại học, mình vẫn luôn gắn chặt bản thân với những nhận định rằng bản thân là một con người trống rỗng, thiếu màu sắc và cá tình. Như một người quen ở trong bóng tối, mình né tránh những ánh sáng rực rỡ từ những người xung quanh bằng cách co mình lại, tìm cách “vô hình” hóa bản thân. Mình sợ khi họ tiếp xúc sẽ nhận ra sự trống rỗng và thiếu màu sắc của bản thân. Điều mà những năm tháng cấp 3 mình luôn phải đối mặt, ghim vào mình sự tổn thương rất lâu sau này mới có thể hàn gắn.

Đó chính là lý do mà ở tuổi 19, mình thấy được sự đồng cảm khi đọc tác phẩm Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương của Haruki Murakami.

Nếu trừ Tazaki Tsukuru, thì giữa bốn người kia tình cờ còn có thêm một điểm chung nho nhỏ. Ấy là trong tên gọi có màu. Họ của hai cậu bạn trai là Akamatsu (Đỏ) và Oumi (Xanh), còn hai cô bạn gái là Shirane (Trắng) và Kurono (Đen). Chỉ có Tazaki là chẳng liên quan gì tới màu sắc. Bởi chuyện ấy mà ngay từ đầu Tsukuru đã cảm thấy tủi thân. Tất nhiên, tên gọi có màu sắc hay không là vấn đề chẳng liên quan gì tới tính cách. Gã hiểu rõ điều này. Nhưng dù sao gã cũng thấy tiếc, và thậm chí cảm thấy bị tổn thương không nhỏ, đến nỗi chính gã cũng lấy làm ngạc nhiên. Những người còn lại, như một lẽ đương nhiên, nhanh chóng gọi nhau bằng màu sắc.

Năm người bạn đã từng chơi rất thân với nhau.

Một ngày nọ, bốn người bạn thân đầy màu sắc đã đoạn tuyệt một sắc thái màu mang tên Tazaki.

Vì Không màu nên quá mơ hồ, nhợt nhạt hay vì quá khác biệt?

Không có lời giải đáp nào cho Tazaki trước câu hỏi trên. Suốt 16 năm, gã cô đơn trong kí ức, nỗi đau và hoài nghi; chạy trốn nỗi đau bằng cách tự gây tổn thương bản thân. Để cuối cùng gã mặc định mình là một kẻ trống rỗng, không bạn bè.

Chỉ tới khi gã quyết định đi vào cuộc hành trình tìm gặp bốn người bạn cũ hòng xác nhận lại mệnh đề Tazaki Tsukuru không màu và trống rỗng cũng như cái lõi thật sự của vết thương. Để rồi gã nhận ra một điều:

Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.

Bằng cách đối diện với vết thương đeo bám gã suốt 16 năm, Tazaki đã tìm thấy phần sâu xa nhất trong linh hồn và cảm nhận một cách đầy đủ cái lõi băng giá ở ngay gần trung tâm cơ thể mình. Gã hiểu rằng, rồi đây, từng chút một, gã sẽ phải tự mình phá tan tầng đất đóng băng ấy. Đó chính là ý nghĩa để gã tiếp tục tồn tại và tìm lại sự gắn kết giữa người với người.

Ở một khía cạnh nào đó, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương để lại cho người đọc rất nhiều những nghi vấn khi gấp sách lại. Nhưng đối với những người cảm thấy mình đang trôi dạt thì nó lại thực sự tròn vai với những thông điệp được gửi đi.

Trốn chạy không giúp chúng ta thoát khỏi tổn thương, quay lại đối diện mới là cách tốt nhất bạn cần phải làm.

Mỗi người sinh ra đều mang trong mình những giá trị và ý nghĩa riêng. Không có ai là trống rỗng, thiếu màu sắc và cá tính. “Cứ giả sử rằng cậu là một cái bình rỗng, thì cũng được chứ sao. Cậu là một cái bình tuyệt vời và hấp dẫn. Mình là gì ấy à, thật sự chẳng ai biết được điều đó. Cậu không nghĩ thế sao? Nếu vậy, cậu hãy cứ là một vật đựng thật đẹp mắt. Một cái bình dễ mến đến mức mà ai đó chỉ chực đút cái gì đó vào bên trong.”

Lời kết

Mình từng nghe ở đâu đó một ý kiến rằng người ta chỉ tiếp nhận những thông tin mà người ta muốn. Có lẽ vậy mà mình bị cuốn vào câu chuyện của gã Tazaki không màu, trống rỗng và bỏ rơi hành trình tìm lại bản thân của gã. Gần 3 hay 4 năm sau đó, cơ hội tham gia khóa thiền Vinpassana đã đánh dấu sự nhìn nhận lại bản thân của mình. Đó là một hành trình kéo dài mà mình tin rằng, bất kỳ ai còn sống đều phải trải qua, để thức tỉnh và chữa lành bản thân.

Thông tin cơ bản về sách

Tên sách: Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương.

Tác giả: Haruki Murakami

Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

Công ty phát hành: Nhã Nam. Mua sách TẠI ĐÂY.

Về tác giả

Theo Wikipedia, Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ? sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949) là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Murakami đã xuất bản tại Việt Nam: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới; Biên niên ký chim vặn dây cót; Rừng NaUy; 1Q84; Kafka bên bờ biển; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời…

Thông tin thử thách 14 ngày tôi, sách và viết tại đây!

Filed Under: Cảm hứng, Sách Tagged With: review sách, thử thách 14 ngày

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

You must be logged in to post a comment.

Primary Sidebar

WE HEAL TOGETHER

Bài viết mới nhất

Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc cá nhân bằng “Những ô màu cảm xúc”

04/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 2)

02/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 1)

02/02/2022 By lengkengtrada

Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số một? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kết Nối

  • Email
  • Facebook
  • Instagram

Copyright 2021© 2023 Leng Keng Trà Đá. All rights reserved.