• Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Quan điểm
  • Cảm hứng
  • Sách
  • Kỹ năng
  • Trạm phát thanh
Trà đá nào, bạn mình ơi!

Trà đá nào, bạn mình ơi!

Leng Keng Trà Đá

Trải nghiệm 30 ngày đọc sách về NLP và học viết lớp Bếp chữ (Phần 2)

07/08/2021 by lengkengtrada Leave a Comment

Tiếp nối phần 1, trong phần 2 này mình sẽ chia sẻ ý nghĩa đặc biệt mình nhận được từ việc tham gia lớp học Bếp Chữ và cách mình thực hành song song các kiến thức học được từ việc đọc sách NLP.

Hãy đọc đầy đủ phần 1 của mình qua bài viết dưới đây nhé: Trải nghiệm 30 ngày đọc sách về NLP và học viết lớp Bếp chữ (Phần 1)

PHẦN 2

Bếp chữ, sự kết nối không báo trước với các phần bên trong của con người.

– Rồi vì sao cậu nghỉ việc? Ai ở cái công ty ấy cũng nghĩ cậu sẽ sống làm người ở đó, “chết” làm ma ở đó.

– Ừ thì mình cũng từng có ý định vậy, nhưng ý định không nhất thiết dẫn đến hành động, mặc dù tất cả hành vi đều là kết quả của ý định. Nhưng nếu không nghỉ việc, mình sẽ chẳng bao giờ đăng ký học Bếp Chữ, và nếu không đi học, mình và cậu cũng chẳng lấy đâu cơ hội được trò chuyện với nhau như bây giờ.

– Cậu nói đúng, lý do không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã gặp nhau.

Trên đây là cuộc hội thoại ngắn giữa hai trong số rất nhiều phần bên trong con người của mình. Trước đó, bản thân mình đã ý thức tương đối rõ sự hiện diện của các phần khác nhau, tuy nhiên việc chủ động giao tiếp với chúng là rất hiếm. Chỉ tới khi mình nghỉ việc và tham gia học lớp viết Bếp Chữ, các phần này mới có cơ hội hiện hữu và tương tác với nhau.

Thế nhưng bạn đừng vội hiểu lầm Bếp Chữ là một lớp học tâm lý. Nó vẫn là nó, một lớp học Nấu câu, Xào chữ rất chất lượng cho người yêu viết và muốn viết. Một lớp học giúp bạn mến tiếng Việt lại từ đầu cũng như tôn trọng, chỉn chu hơn trong cách vận dụng qua hai mảng chính là tư duy dùng chữ và kỹ năng viết chữ. Có chăng tại bài viết này, mình muốn chia sẻ một ý nghĩa khác hơn mà Bếp Chữ mang lại cho mình ngoài câu chuyện viết chữ, đó chính là giúp mình khảo nghiệm các phần bên trong con người. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:

Hầu hết các câu em viết trong giờ học hoặc bài tập đều tệ và trật lất hết trơn chị ạ. Nếu là em của 3 – 4 năm về trước chắc em bỏ viết. Nhưng giờ em lớn rồi, thấy phần tự ái của mình vậy mà không còn nhảy chồm lên như trước nữa.

Vài ngày sau khi học xong buổi thứ 2 của lớp Bếp Chữ, mình đã trả lời như vậy với người bạn khi được chị ấy hỏi học lớp viết có gì hay không? Đối với mình, một khi con người còn sự tự ái có lẽ còn sự tự ti. Quá khứ mình tự ti rất nhiều, nên cũng tự ái nhiều không kém. Thế nhưng trải qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành trong công việc, phần tự ái dần được thay thế bởi phần cầu thị. Chỉ có phần tự ái đối với việc viết là mình chưa bao giờ có cơ hội gọi ra để khảo nghiệm.

Người ngoài nhìn vào việc viết của mình hầu hết đều nhận định đó là một sở thích nên chưa có ai buông lời nhận xét hay, dở. Đã là sở thích thì ai nỡ đánh giá làm gì cho thêm sầu cái đứa viết. Mãi tới khi tham gia Bếp Chữ, lớp học được dạy bởi một người anh trong nghề 12 năm, nơi có hầu hết học viên là người kiếm cơm bằng con chữ, phần còn lại là người có định hướng theo nghề thì mình mới có cơ hội trò chuyện với phần tự ái trong việc viết của mình.

Dưới đây là đoạn hội thoại của phần tự ái và phần cầu thị mà mình đã lắng nghe được sau mỗi lần viết trật lất tại lớp học:

Phần tự ái (chịu trách nhiệm cho giọng nói nhỏ bên trong): Hóa ra mình viết tệ vậy.

Phần cầu thị: (Im lặng lắng nghe).

Phần tự ái: Mình vốn chẳng hiểu chút gì về chuyện chữ nghĩa.

Phần cầu thị: (Tiếp tục im lặng lắng nghe).

Cho tới khi phần tự ái lắng xuống, phần cầu thị lên tiếng: Mình nói điều này không phải để an ủi hay để ngụy biện cho việc viết trật lất, nhưng rõ ràng càng học càng thấy ngu nghĩa là bạn còn thứ để học. Việc ngồi đó tự trách sẽ không giúp bạn giỏi hơn.

Phần tự ái: Im lặng lắng nghe.

Cuộc hội thoại trên diễn ra trong vòng 1 đến 2 phút. Khi phần tự ái xuất hiện, thay vì cố gắng gạt đi sự hiện diện của nó, mình chọn cách tôn trọng và gọi tên phần cầu thị bước ra để hai phần giao tiếp với nhau. Đây thực sự là một cách tốt giúp mình khảo nghiệm và ghi nhận các phần bên trong, mà nếu không học Bếp Chữ, mình sẽ phải mất một thời gian dài để làm được điều này.

Lời kết

Việc đọc gần 200 trang sách, ghi chép 60 trang giấy và học viết 21 giờ trong vòng 30 ngày đã thành công đưa mình vượt ra vòng lặp tới công ty – về nhà – rồi lại tới công ty trong hơn 4 năm qua. Mình chắc chắn rằng, 30 ngày là không đủ để hiểu và thực hành hết khối lượng kiến thức đã tiếp nhận. Tuy nhiên thời điểm ngồi viết xuống những dòng này, mình thực sự cảm thấy biết ơn với những lựa chọn của bản thân: Bắt đầu từ việc đăng ký học Bếp Chữ cho tới việc đọc bộ sách Phát huy tiềm năng NLP. Những lựa chọn này đối với mình đã trọn vẹn để giúp mình bắt đầu cuộc sống sau khi nghỉ việc.

Xuất phát điểm đã có, hẹn gặp lại bạn ở các trạm tiếp theo

Giải thích thuật ngữ

(1) Béo bệu: Đây là những từ ngữ không rõ ràng, ví dụ như thỏa mãn, mãn nguyện, hạnh phúc,… chúng dư thừa, vô ích, không được miêu tả rõ ràng.

(2) Phần: Là những khía cạnh hoặc nét đặc trưng của một con người: phần làm việc, phần ở nhà, phần nuôi dạy con cái, phần đảm nhiệm mua sắm, phần trẻ con, phần nữ tính và tất cả những cái tôi, những phần, những phương diện khác làm thành một cá nhân hoàn chỉnh.

(3) Link tài liệu và khóa học đề cập trong bài:

Để hiểu được chi tiết hơn về kỹ thuật xử lý, mình khuyến khích các bạn tham gia khóa học Bếp Chữ của anh Sói Ăn Chay (nếu bạn quan tâm tới việc viết) hoặc tìm hiểu về NLP qua việc học, đọc sách về lĩnh vực này (Cuốn sách mình đang đọc là Phát huy tiềm năng cùng lập trình ngôn ngữ NLP của Anné Linden & Kathrin Perutz).

Mua sách tại: https://tiki.vn/phat-huy-tiem-nang-cung-nlp-tai-ban-2020-p65443434.html

Khóa học Bếp Chữ: https://bepchu.com/. Chim sớm: hết ngày thứ 5, 12/08. Chim vào nồi: tối thứ 3, 24/08.

Filed Under: Sách Tagged With: sách, viết

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

You must be logged in to post a comment.

Primary Sidebar

WE HEAL TOGETHER

Bài viết mới nhất

Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc cá nhân bằng “Những ô màu cảm xúc”

04/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 2)

02/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 1)

02/02/2022 By lengkengtrada

Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số một? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kết Nối

  • Email
  • Facebook
  • Instagram

Copyright 2021© 2023 Leng Keng Trà Đá. All rights reserved.