Đây không phải bài review sách và khóa học. Đây là “nhật ký” mình ghi lại quá trình tìm ra “vầng sáng lấp lánh” trong 30 ngày học tập nghiêm túc. Đối với mình, học tập cũng giống quá trình mũi hít thở không khí để nuôi sống cơ thể 24h mỗi ngày. Quá trình này sẽ thật nhàm chán nếu không có sự xuất hiện của một “vầng sáng lấp lánh” nào đó. Bạn có thể tạm hiểu điều này bằng cách liên tưởng tới cảm giác của chiếc mũi khi được thưởng thức mùi thơm của đồ ăn ngon, của hoa cỏ… sau bao ngày ăn không khí, hít bụi mịn.
Và trong khuôn khổ bài viết này, “vầng sáng lấp lánh” chính là điểm kết nối giữa việc mình học viết tại lớp Bếp Chữ và đọc sách Phát huy tiềm năng cùng NLP. Bài viết được chia thành hai phần: Phần một đưa ra các mối liên hệ đặc biệt giữa viết và lập trình ngôn ngữ tư duy. Phần hai nói về ý nghĩa đặc biệt mình nhận được từ việc tham gia học Bếp Chữ và cách mình thực hành song song các kiến thức học được từ việc đọc sách NLP.
PHẦN 1
Bạn có đang bị lậm những từ “béo bệu” trong viết và giao tiếp?
Tại chương 7, phần 2 của Quyển 2 cuốn sách “Phát huy tiềm năng cùng NLP” có đề cập tới chủ đề Phương thức Meta. Theo đó, Noam Chomsky và các nhà ngôn ngữ học đã chia phương thức này thành năm mô thức ngôn ngữ chính. Một trong số đó là “Những động từ không xác định”. Các bạn hãy ghi nhớ từ khóa “động từ”.
Để giúp người đọc hiểu hơn về mô thức này tác giả cuốn sách đưa ra các ví dụ: “Tôi phải chấm dứt việc bước vào các mối quan hệ kiểu này.”
Ở ví dụ trên, chấm dứt là một động từ, một quá trình. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu bạn suy nghĩ kỹ hơn thì “chấm dứt” hóa ra là một từ “béo bệu” (1) ở bên trong: Bạn chấm dứt bằng cách nào? Làm thế nào bạn biết được là bạn đã chấm dứt? Trong khi đó tại lớp Bếp chữ, sau bao ngày học viên được đắm chìm trong Dòng suy nghĩ, Cảm tình chữ thì ngày hôm đó anh Sói Ăn Chay có bài giảng về Thái độ viết:
Thái độ là cách một người phản ứng trong một tình huống cụ thể. Phản ứng là hành động, không phải tính từ miêu tả.
Một lần nữa các bạn hãy ghi nhớ từ khóa là Hành động. Để hiểu hơn về những giải nghĩa trên, một ví dụ nhỏ trong bài học được đưa ra: “Bạn trai của tôi vô tâm.” Nhưng anh ta vô tâm như thế nào? Hành động nào thể hiện sự vô tâm đó? Một lần nữa, từ vô tâm tưởng chừng rất đơn giản lại có vẻ là một từ “béo bệu”.
Thông qua hai ví dụ trên, hẳn bạn có thể thấy dù trong giao tiếp hay viết lách thì chúng ta đều đang ít nhiều sử dụng các từ “béo bệu”. Vậy làm thế nào để xử đẹp thói quen dùng từ các “béo bệu” trong viết và giao tiếp? Theo Noam Chomsky và các nhà ngôn ngữ học:
Trong một tình huống quan trọng (liên quan tới công việc hoặc cảm xúc) cần phải định nghĩa từ ngữ một cách chính xác, bạn phải đảm bảo điều người kia* muốn nói bằng cách đặt câu hỏi Như thế nào? Câu hỏi này giúp người nói định hướng lại suy nghĩ về một quá trình, những gì đang diễn ra và thay đổi.
Tại lớp Bếp Chữ, anh Sói đã xử đẹp những từ “béo bệu” bằng một cách đơn giản không kém đó là chuyển sang câu hành động. Ví dụ như thay vì dùng câu: “Bạn trai của tôi vô tâm”, bạn có thể diễn đạt lại bằng câu: “Bạn trai của tôi đã quên sinh nhật của tôi”. Rõ ràng trong trường hợp này, bạn không dùng từ vô tâm nhưng người nhận thông tin vẫn thấy rõ chân dung một anh người yêu vô tâm đúng không?
Cùng một từ nhưng ý của tôi có thể khác với ý của bạn. Vậy tốt nhất chúng ta nên diễn đạt rõ ràng nhất để thông tin gửi đi là có giá trị cho người tiếp nhận. Quy tắc này bạn có thể áp dụng trong cả viết và giao tiếp.
Tìm ra căn nguyên của hành vi khiến bạn trì hoãn việc trải nghiệm cuộc sống.
Từ ngữ bản thân nó không có ý nghĩa. Tấm bản đồ không phải là một vùng đất. Ngôn ngữ không phải là trải nghiệm. Từ ngữ chỉ là từ ngữ. Từ ngữ có nghĩa nhờ được kết hợp với trải nghiệm và dùng để miêu tả trải nghiệm của tôi hoặc của bạn, và chúng kết nối những ý nghĩa riêng rẽ ấy thành một định nghĩa chung cho cả hai chúng ta.” (Phát huy tiềm năng cùng NLP)
Người viết hay là người có độ bám sát cuộc sống nhất định. Vốn sống quyết định năng lực viết. Quan sát và trải nghiệm để mở rộng vốn sống. (Bếp Chữ)
Trước khi bạn cố gắng đi sâu để phân tích ý nghĩa của hai đoạn thông tin trên, hãy nhớ đây là chuỗi bài chỉ ra sự kết nối giữa việc đọc sách và học viết, không phải phục vụ cho việc tranh luận. Chính vì vậy hãy cùng làm thao tác quen thuộc mình đã hướng dẫn ở bài viết trước đó là ghi nhớ từ khóa là “trải nghiệm”.
Nhiều khi chúng ta giao tiếp được với nhau là cả một phép màu. Chúng ta sử dụng từ ngữ mọi lúc mọi nơi và nhờ 8/10 các trải nghiệm cá nhân của chúng ta giống nhau, nên người này có thể hiểu (hoặc nhận) ra người kia đang nói (hoặc viết) về điều gì? Có thể thấy rằng, trải nghiệm là một yếu tố quan trọng trong cả giao tiếp lẫn viết lách. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm.
Chúng ta luôn có nhiều lý do để trì hoãn việc trải nghiệm cuộc sống: Mình nghèo rớt mồng tơi, tiền đâu để mà trải nghiệm? Mình sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, sợ phải đối mặt với những khó khăn… Mỗi lý do sẽ tương ứng với các hành vi. Tuy nhiên, bạn có chắc chắn đây là những lý do thực sự của những hành vi đang khiến chúng ta trì hoãn việc trải nghiệm cuộc sống?
Một con người bình thường ai cũng có các phần (2). Các phần ấy bằng kinh nghiệm sẽ tiếp tục hình thành trong suốt cuộc đời chúng ta. Trong ngôn ngữ lập trình tư duy, cách giao tiếp với các phần bên trong, và khám phá những ý định tích cực đằng sau những hành vi gây ra sự trì hoãn của việc trải nghiệm cuộc sống được gọi là Chuyển hóa ý nghĩa bên trong. Bằng cách thực hiện kỹ thuật này, bạn có thể biến đổi hành vi một cách khôn khéo để trở thành chính con người mà mình mong muốn.
Tại lớp Bếp Chữ, khi trải nghiệm sống được đặt vào một vị trí quan trọng để giúp chữ nghĩa trở nên **có nội dung hơn, nhiều bạn đặt ra câu hỏi “Vậy làm thế nào để có nhiều trải nghiệm sống?” Câu hỏi này về góc độ mong muốn là rất thiết thực. Thế nhưng nếu bạn được khuyên là hãy đi phượt, đi Tạ Hiện nhiều hơn, hãy thử sức mình với các vị trí công việc khác nhiều hơn, đừng ở lì một chỗ mãi,… thì bạn có chắc sẽ thực hiện theo lời khuyên để có sự trải nghiệm?
Theo quan điểm của mình, để thay đổi hành vi thì vấn đề bạn cần giải quyết đầu tiên không phải đi tìm lời khuyên làm thế nào để trải nghiệm? Điều quan trọng bạn cần làm là tìm ra căn nguyên của hành vi đang khiến bạn trì hoãn việc trải nghiệm cuộc sống (hành vi bao gồm hành động, suy nghĩ, triệu chứng, cử chỉ). Để làm được điều này, bạn cần thực hiện một cuộc đối thoại liên tục giữa các phần bên trong con người mình, để các phần hiểu và đưa ra các giải pháp. Một hướng dẫn cụ thể của tác giả Anné Linden tại Chương 12, Phần ba, Quyển 2 của sách Phát huy tiềm năng sẽ giúp bạn thực hiện kỹ thuật Chuyển hóa ý nghĩa hành vi tốt hơn.
Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật này vào mọi tình huống trong cuộc sống. Câu chuyện về sự trải nghiệm trên đây chỉ là một ví dụ được đưa ra bàn luận mà thôi.
[Còn tiếp]
Đọc phần 2 tại đây: Trải nghiệm 30 ngày đọc sách về NLP và học viết lớp Bếp chữ (Phần 2).
Giải thích thuật ngữ
(1) Béo bệu: Đây là những từ ngữ không rõ ràng, ví dụ như thỏa mãn, mãn nguyện, hạnh phúc,… chúng dư thừa, vô ích, không được miêu tả rõ ràng.
(2) Phần: Là những khía cạnh hoặc nét đặc trưng của một con người: phần làm việc, phần ở nhà, phần nuôi dạy con cái, phần đảm nhiệm mua sắm, phần trẻ con, phần nữ tính và tất cả những cái tôi, những phần, những phương diện khác làm thành một cá nhân hoàn chỉnh.
(3) Link tài liệu và khóa học đề cập trong bài:
Để hiểu được chi tiết hơn về kỹ thuật xử lý, mình khuyến khích các bạn tham gia khóa học Bếp Chữ của anh Sói Ăn Chay (nếu bạn quan tâm tới việc viết) hoặc tìm hiểu về NLP qua việc học, đọc sách về lĩnh vực này (Cuốn sách mình đang đọc là Phát huy tiềm năng cùng lập trình ngôn ngữ NLP của Anné Linden & Kathrin Perutz).
Mua sách tại: https://tiki.vn/phat-huy-tiem-nang-cung-nlp-tai-ban-2020-p65443434.html
Khóa học Bếp Chữ: https://bepchu.com/. Chim sớm: hết ngày thứ 5, 12/08. Chim vào nồi: tối thứ 3, 24/08.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.