• Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Quan điểm
  • Cảm hứng
  • Sách
  • Kỹ năng
  • Trạm phát thanh
Trà đá nào, bạn mình ơi!

Trà đá nào, bạn mình ơi!

Leng Keng Trà Đá

Cách nuôi dưỡng đọc sách trở thành một thói quen tốt.

10/10/2021 by lengkengtrada Leave a Comment

Theo một khảo sát của báo Dân trí cũng cho biết: 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc một cuốn sách nào trong vòng một tuần. 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt 1 năm qua và chỉ có 12% bạn trẻ cho biết bản thân có đọc sách. Nếu bạn hỏi 10 người rằng đọc sách có tốt không thì câu trả lời gần như 100% kết quả là Có. Thế nhưng với những số liệu bên trên, chúng ta có thể thấy việc chuyển hóa từ nhận thức rằng đọc sách tốt tới hành động đọc sách là một chặng đường dài. Bài viết này của mình sẽ giúp bạn gỡ rối và đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

nuoi-duong-thoi-quen-doc-sach

Tại sao một số người gặp khó khăn trong việc đọc sách?

Có người đọc 60 – 100 quyển sách mỗi năm nhưng cũng có người cả đời chỉ đọc vài chục quyển sách (tất nhiên sách giáo khoa nằm ngoài những con số này). Vậy vấn đề của sự khác biệt này nằm ở đâu? Hẳn phải có những rào cản nhất định khiến một số người gặp khó khăn trong việc đọc sách.

Nạn nhân của sự gán nhãn

“Tại sao chúng ta không thích đọc sách?”, “Lý do vì sao trẻ ghét đọc sách”, “Vì sao người Việt không thích đọc sách?”… Có hàng tá các tiêu đề bài viết trên mọi phương tiện truyền thông đang nói như vậy mỗi ngày. Nếu bạn là một mọt sách, dĩ nhiên bạn sẽ bỏ qua. Nếu bạn là người cả năm không đọc hết một quyển sách, bạn sẽ tin rằng mình là nhân vật chính trong các bài viết đó.

Bằng cách đưa thông tin như vậy, bạn và rất nhiều người đang được gán nhãn là người “ghét đọc sách” hoặc “không thích đọc sách”. Trong khi sự thật là bạn chỉ đang gặp một số rào cản hoặc vướng mắc khiến việc đọc sách trở nên khó khăn mà thôi. Chẳng ai đi “ghét” hay “không thích” một thứ mà họ biết rằng nó tốt đẹp cả. Việc đưa thông tin mang tính gán nhãn có thể thúc đẩy bạn tìm cách để yêu việc đọc sách hơn, nhưng cũng có thể đẩy bạn chìm nghỉm trong sự gán nhãn đó.

Thiếu kỹ năng đọc sách

Không phải ngẫu nhiên mà những người có khả năng đọc và tiếp thu thông tin nhanh thì dễ dàng hơn trong việc khơi dậy niềm yêu thích sách và đọc sách. Hãy thử phân tích vấn đề này thông qua câu chuyện của cháu mình:

Khi bắt đầu tập đọc, cậu nhóc luôn cáu gắt và tỏ ra khó chịu mỗi khi mẹ muốn cậu ngồi vào bàn đọc sách. Việc này kéo dài trong một thời gian khiến chị mình nghĩ rằng cậu nhóc là một đứa trẻ không thích đọc sách. Thế nhưng sự thật là cậu nhóc đã gặp khó khăn trong việc đánh vần chữ cái (khi đó cháu mình đang học lớp 1). Việc phải nhìn chăm chăm vào những trang giấy đầy chữ mà không hiểu hết trên đó viết gì đã hình thành một nỗi sợ khi phải đọc. Sau này khi việc đánh vần không còn là rào cản, cậu nhóc trở nên thích thú với sách hơn hẳn.

Không chỉ với trẻ nhỏ, tốc độ đọc chậm và khả năng xử lý thông tin trong sách kém có thể trở thành mối bận tâm, thậm chí là gây thất vọng đối với một số người, cản trở họ đến với sự yêu thích đọc sách.

Đọc loại sách không phù hợp với sở thích, nhu cầu

Quyển sách hay nhất không phải mang danh Best Seller trên các trang bán hàng mà là quyển sách phù hợp nhất đối với bạn. Một quyển sách “lạc quẻ” với sở thích hay nhu cầu sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của một mọt sách, nhưng nó lại dễ dàng dập tắt nỗ lực tìm đến tình yêu sách của một người đang gặp khó khăn trong việc đọc sách. Tệ hại hơn, việc đọc sách không phù hợp có thể hình thành nên những quan điểm lệch lạc của một người đối với sách, ví dụ như sáo rỗng, vô bổ…

Thiếu sự tập trung khi đọc sách

Cũng giống như việc thiếu kỹ năng đọc, những người có xu hướng thường xuyên bị phân tâm sẽ gặp khó khăn để tiếp nhận thông tin và hiểu ý nghĩa của nội dung mà quyển sách mang lại. Điều này hoàn toàn bất lợi cho việc bồi đắp tình yêu đối với việc đọc sách. Bên cạnh đó, sự bận rộn và căng thẳng, lo lắng của cuộc sống có thể khiến bạn lựa chọn một hoạt động khác ít đòi hỏi sự tập trung hơn là việc đọc sách.

Bạn có trở thành người xấu nếu không đọc hoặc ít đọc sách?

Không ai phủ nhận lợi ích của việc đọc sách (tất nhiên là loại sách được đọc phải là sách đáp ứng được tiêu chuẩn của văn hóa truyền thông đại chúng) nhưng cũng không ai có thể phán xét bạn xấu nếu bạn không đọc sách hoặc ít đọc sách. Nhưng nếu bạn không đọc, bạn đang tự giới hạn bản thân được tiếp cận với một nguồn thông tin chứa trí tuệ cô đọng của nhân loại.

Chúng ta đồng ý với nhau là có rất nhiều cách để tiếp cận và thu thập thông tin trong thời đại Internet bùng nổ hiện nay. Facebook / Pintrest / Quora / Instagram / Twitter và thậm chí ở một mức độ nào đó Email đều cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin để kể những câu chuyện chỉ trong vài dòng và một bức ảnh. Tuy nhiên không phải kênh nào cũng đảm bảo được độ chính xác của thông tin. Trong khi đó, sách giống như một hồ sơ vĩnh viễn không thể sửa đổi nếu không được tái bản. Để xuất bản một quyển sách đòi hỏi sự nỗ lực gấp nhiều lần của nhiều người vào việc viết, kiểm tra tính xác thực của nội dung.

Cách nuôi dưỡng đọc sách thành một thói quen tốt.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cũng giống như bạn nuôi dưỡng một đứa trẻ, đây là quá trình cần thời gian, năng lượng và sự nỗ lực. Thực hành từng bước dưới đây có thể sẽ giúp bạn đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình nuôi dưỡng thói quen đọc sách:

ĐẦU TIÊN, đưa việc đọc sách vào To do list mỗi ngày

Ở bước này, bạn cần xác định một mốc thời gian trong ngày dành cho việc đọc sách và sau đó tạo lời nhắc hằng ngày (bạn có thể sử dụng các app hoặc Google calendar để làm việc này). Để đảm bảo tính duy trì, bạn cần lựa chọn mốc thời gian ít rủi ro, nghĩa là không có nhiều biến động nhất trong ngày. Ví dụ nếu bạn đặt lịch hẹn 8h00 PM là giờ đọc sách, rất có thể bạn sẽ chỉ hoàn thành được 10/30 ngày, 20 ngày còn lại sẽ là tăng ca làm, đi chơi với bạn, gọi điền về cho gia đình,…

Đối với một số người, việc đọc sách chính xác vào một mốc thời gian trong ngày quả thực sẽ gây khó khăn cho họ bởi tính chất công việc. Trong trường hợp này, bạn hãy đặt thời gian đọc sách vào lịch trình của bạn và đưa ra mức thời gian tối thiểu dành cho việc đọc tối thiểu 30 mỗi ngày.

THỨ HAI, lựa chọn sách

Như đã chia sẻ ở phần trên, quyển sách hay nhất là quyển sách phù hợp nhất đối với bạn. Vậy làm thế nào để xác định được đâu là quyển sách phù hợp với mình?

Nếu bạn là một mọt sách, điều này thật đơn giản. Nhưng nếu bạn là “tấm chiếu mới”, hãy bắt đầu bằng cách đọc những bài review sách để tìm kiếm thể loại mình hứng thú. Trạm Đọc, Goodreads, Booklikes hay group của Nhã Nam là một số gợi ý tốt để bạn tìm hiểu.

“Nhưng đến đọc review tôi cũng cảm thấy ngại hoặc đọc rồi tôi vẫn không biết chọn quyển sách nào thì sao?”

Vậy thì bạn hãy thử đọc những cuốn sách có nhiều hình minh họa và hình ảnh đẹp, ví dụ như Hoàng Tử Bé hay Ê có khi nào? Nếu bạn có hứng thú với mỹ thuật, Tô Bình Yên Vẽ Hạnh Phúc cũng là một gợi ý không tồi. Đừng quan tâm về việc “mọi người sẽ nghĩ gì” vì nó không quan trọng đối với bạn. Bạn không có nghĩa vụ phải đọc bất kỳ một quyển sách nào cả. Ở giai đoạn này, khơi dậy niềm hứng thú đối với việc đọc sách quan trọng hơn việc bạn đọc sách gì.

THỨ BA, chuẩn bị không gian đọc

Khả năng tập trung khi đọc sách không xuất hiện ở nhiều người ngay cả với các mọt sách. Chính vì vậy việc chuẩn bị một không gian đọc yên tĩnh là điều cần thiết. Bạn cũng cần dung hòa yếu tố này với mốc thời gian cố định mà bạn đã cài đặt trước đó để tìm được điều kiện lý tưởng nhất cho việc đọc sách.

THỨ TƯ, tuân thủ kỷ luật tự thân

Mọi thói quen đều được hình thành từ việc giữ kỷ luật. Một kế hoạch hoàn hảo cho việc đọc sách cũng chẳng đi được tới đâu nếu không được thực hiện và duy trì nó đều đặn. Bạn sẽ bất ngờ với kết quả khi thực hành việc đọc sách một cách khéo léo thay vì biến nó trở thành sự ép buộc bất đắc dĩ.

THỨ NĂM, xác định quan điểm rõ ràng đối việc đọc sách

Sẽ thật khó để bạn yêu thích việc đọc sách nếu xem nó là một KPI cần phải hoàn thành, bởi nhắc tới KPI, hầu hết chúng ta sẽ chỉ hình dung ra áp lực và sự đánh giá. Với mình đọc sách không cần nặng nề tới vậy. Bạn đọc bao nhiêu trang mỗi ngày không quan trọng; đọc bao nhiều quyển sách mỗi năm càng không quan trọng. Hãy ngừng đọc một quyển sách nếu bạn cảm thấy không thích nó. Sẽ là vô ích nếu buộc bản thân phải đọc một quyển sách chỉ để hoàn thành nó và không có bất cứ điều gì đọng lại sau đó. Điều quan trọng là bạn tìm được niềm vui và hứng thú khi đọc sách.

Trước khi chúng ta học giỏi, chúng ta cần yêu thích việc học trước.

Mình tin rằng mọi người đều thích đọc sách. Chỉ cần mỗi người nhận ra những rào cản đang ngăn cách họ với việc đọc và xử lý từng vấn đề, thói quen đọc sách, hay đơn giản là sự hứng thú và yêu thích đối với việc đọc sách là điều hoàn toàn có thể nảy nở trong mỗi con người.

Filed Under: Kỹ năng, Sách Tagged With: sách

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

You must be logged in to post a comment.

Primary Sidebar

WE HEAL TOGETHER

Bài viết mới nhất

Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc cá nhân bằng “Những ô màu cảm xúc”

04/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 2)

02/02/2022 By lengkengtrada

Ai rồi cũng (cần) một lần nghỉ việc (đúng nghĩa) trong đời (Phần 1)

02/02/2022 By lengkengtrada

Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số một? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kết Nối

  • Email
  • Facebook
  • Instagram

Copyright 2021© 2023 Leng Keng Trà Đá. All rights reserved.